• Phòng Khám Chuyên Khoa Ký Sinh Trùng

Dấu Hiệu Bị Sán Chó Mèo

 02/07/2021

DẤU HIỆU BỊ SÁN CHÓ MÈO

Chó mèo là vật nuôi sống gần gũi với người nên bệnh sán chó mèo là bệnh phổ biến trên toàn thế giới. Sán chó mèo hay đúng hơn là giun đũa chó mèo gây ra do kì sinh trùng có tên là Toxocara canis (giun đũa chó) hoặc Toxocara cati (giun đũa mèo). Sán chó mèo do một kí sinh trùng sống trong ruột chó mèo, trứng được thải qua phân. Người bị nhiễm do vô tình nuốt phải trứng sán.

 

Người bị bệnh sán chó mèo có triệu chứng không đặc hiệu. Tùy theo từng người bệnh mà dấu hiệu bị sán chó mèo khác nhau. Người bị bệnh do nuốt phải trứng có chứa ấu trùng sán chó mèo, trứng sau khi vào ruột sẽ nở ra ấu trùng, ấu trùng chui qua thành ruột, theo máu di chuyển tới các cơ quan trong cơ thể.

Mức độ tổn thương sẽ tùy vào số lượng ấu trùng sán chó mèo và cơ quan nào trong cơ thể mà chúng kí sinh. Những cơ quan quan trọng như não hoặc mắt nếu bị kí sinh sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.

Một số người nhiễm sán chó mèo cũng không có triệu chứng gì, do đó có nhiều bệnh nhân không biết mình bị nhiễm sán chó mèo.

Triệu chứng thường gặp nhất của nhiễm sán chó mèo là ngứa và nổi mề đay. Ngứa thường xảy ra vào buổi chiều tối. Do ngứa nhiều vào ban đêm có nhiều bệnh nhân không ngủ được, ngủ không ngon giấc hay giật mình tỉnh rồi không ngủ lại được. Cứ như vậy kéo dài làm cho người bệnh mệt mỏi, lo lắng, không tập trung vào công việc được, ăn uống không ngon, sụt cân.

Bệnh nhân cũng có thể có triệu chứng giống như hen suyễn: ngứa mũi, ngứa họng, ho…

Một dấu hiệu bị sán chó mèo khác là các triệu chứng đường tiêu hóa như đau bụng, đầy hơi, tiêu lỏng hoặc táo bón.

Nếu sán chó mèo làm tổ trong não bệnh nhân có thể thấy đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, co giật, yếu tay chân…

Dấu hiệu bị sán chó mèo ở mắt làm bệnh nhân chảy nước mắt, đỏ mắt, cảm giác cộm trong mắt, nhìn mờ, giảm hoặc mất thị lực.

Nhiều bệnh nhân đi khám bệnh hoặc khám sức khỏe, khi được thử máu vô tình phát hiện tăng bạch cầu ái toan. Tăng bạch cầu ái toan là một trong những dấu hiệu nhiễm kí sinh trùng. Nếu vô tình phát hiện tăng bạch cầu ái toan thì nên kiểm tra tầm soát kí sinh trùng.

Nếu có dấu hiệu nhiễm sán chó mèo nên đi khám ngay. Việc chẩn đoán nhiễm sán chó mèo được tiến hành bằng xét nghiệm máu đơn giản. Phát hiện bệnh sớm gúp điều trị dễ dàng và có hiệu quả hơn.

Bs Nguyễn Phạm Diễm Kiều

BÀI VIẾT LIÊN QUAN